Archives quotidiennes :
THANH HIỆP : Từ bỏ lập Quỹ Trần Văn Khê, GS Trần Quang Hải ứa nước mắt
Từ bỏ lập Quỹ Trần Văn Khê, GS Trần Quang Hải ứa nước mắt
04/01/2016 20:04
(NLĐO)- Những rắc rối về thủ tục pháp lý khi thành lập quỹ Trần Văn Khê tại Việt Nam đã làm GS Trần Quang Hải muốn từ bỏ ý định lập quỹ này theo như di nguyện của cha ông.
Về nước theo lời mời của Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Việt Nam tham dự Hội thảo quốc tế về nghệ thuật hát chầu văn, GS Trần Quang Hải đã cho PV Báo Người Lao Động biết việc ông từ bỏ kế hoạch thành lập quỹ mang tên cha, cố GS. TS Trần Văn Khê cũng như dự án xây dựng Trung tâm Trần Văn Khê tại căn nhà số 32 Huỳnh Đình Hai, Bình Thạnh, TP HCM, nơi GS.TS Trần Văn Khê từng sinh sống.

GS.TS Trần Văn Khê. – Ảnh: NSCC
Chia sẻ về điều này, GS Trần Quang Hải ứa nước mắt: “Tôi đành phải từ bỏ 2 dự án theo di nguyện của cha bởi hiện nay tôi định cư ở nước ngoài, sẽ có nhiều trở ngại trong việc quản lý trực tiếp quỹ một cách chu đáo. Ngoài ra, khó khăn về phương diện thủ tục hành chánh và tài chánh khi có qui định phải trên 1 tỉ đồng mới lập quỹ; mà sau đám tang của cha tôi, số tiền phúng điếu của các cơ quan, cá nhân, công chúng quý mến cha tôi, tính toán lại chỉ có 700 triệu đồng.
Điều quan trọng hơn cần phải có trụ sở nhất định và phải có một ngân khoản thường trực để trang trải. Bên cạnh đó, ngôi nhà số 32 đường Huỳnh Đình Hai dù có triển vọng sẽ được dùng làm trụ sở vĩnh viễn cho trung tâm mang tên cha tôi nhưng đến nay vẫn chưa có cơ sở pháp lý nào để đảm bảo”.
GS Trần Quang Hải giới thiệu với khán giả Pháp về đàn bầu của Việt Nam
GS Trần Quang Hải mong muốn được kết thúc một cách tốt đẹp việc liên hệ đến cha của ông, về số tiền phúng điếu. Ông nhấn mạnh: “Hiện theo dự trù sẽ được phân chia một cách minh bạch cho: Giải thưởng Trần Văn Khê, phần nữa trao cho anh Nguyễn Tri Triết để lo việc cúng bái tại Vĩnh Kim, Tiền Giang; phần thứ ba dành trao tặng những nghệ sĩ lão thành, già yếu, bệnh tật đang sống tại Khu dưỡng lão nghệ sĩ (quận 8, TPHCM); một phần trao tặng quà cho những nghệ sĩ đang chăm sóc Nghĩa trang nghệ sĩ Gò Vấp, TP HCM và phần cuối tặng cho những nghệ sĩ lão thành của nền cổ nhạc hiện sống trong túng thiếu”.

GS.TS Trần Văn Khê. – Ảnh: NSCC
Theo GS Trần Quang Hải, hiện có một vài cá nhân, công trình nghiên cứu âm nhạc dân tộc đã có đề xuất được trao giải thưởng mang tên cố GS.TS Trần Văn Khê. Vào tháng 8-2016, GS Hải sẽ về Việt Nam để cùng trao đổi với những nhà chuyên môn, tiến đến việc trao giải thưởng mang tên GS Trần Văn Khê cho các cá nhân và công trình này.
GS Trần Quang Hải và vợ- ca sĩ Bạch Yến trong lễ tưởng niệm 100 ngày mất của GS.TS Trần Văn Khê tổ chức tại Nhạc viện Tarveny – Pháp ngày 3-10-2015. Ảnh: Thanh Hiệp
Tiến sĩ, nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Thị Hải Phượng – học trò của GS.TS Trần Văn Khê nhận xét: “Theo tôi, không nên từ bỏ di nguyện của thầy Khê; nếu không lập được quỹ thì vẫn giữ tên giải thưởng và GS Trần Quang Hải là người có quyền quyết định cao nhất trong việc trao số tiền này cho những người có sự đóng góp đáng quý cho việc nghiên cứu, truyền bá âm nhạc dân tộc như di nguyện của thầy”.

NSND Kim Cương tâm sự: “Bao nhiêu hoài bão và di nguyện của GS.TS Trần Văn Khê đã không thực hiện như mong muốn. Đó là điều đáng tiếc”.

GS Trần Quang Hải giới thiệu về âm nhạc dân tộc tại Pháp. Ảnh: NSCC
Thanh Hiệp
THANH HIỆP : Tìm lại chuẩn mực hát chầu văn
Tìm lại chuẩn mực hát chầu văn
04/01/2016 22:17
Nhiều người đổ xô đi học hát chầu văn theo trào lưu vì kiếm được nhiều tiền. Tuy nhiên, lề lối cổ xưa, chuẩn mực của không gian hát chầu văn hay niêm luật, thể điệu của ông cha truyền lại đã không còn
Ngày 5-1, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa nghệ thuật trên thế giới sẽ có mặt tại TP Nam Định tham dự hội nghị bàn tròn về việc lập hồ sơ trình Tổ chức UNESCO công nhận “Đạo Mẫu, lên đồng và chầu văn” là di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc đại diện của nhân loại. Tuy nhiên, thực trạng biến tướng của hát chầu văn đang là điều mà nhiều nhà nghiên cứu lo ngại.
Nhuốm màu mê tín
GS-TS Trần Quang Hải (Pháp), một trong những nhà nghiên cứu văn hóa nghệ thuật hàng đầu thế giới, nhìn nhận: “Sự biến tướng này ảnh hưởng đến nhận thức của giới trẻ: xem chầu văn, lên đồng là hoạt động buôn thần bán thánh, mê tín dị đoan. Vì thế, cần phải chấn chỉnh ngay thực trạng này”.
Theo GS-TS Hải, không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam đưa nghệ thuật hát chầu văn lên hàng đầu trong năm 2016 với hàng loạt sự kiện hội nghị, hội thảo, tổ chức nghiên cứu, khảo sát để sớm hoàn tất hồ sơ trình UNESCO, trước cả nghệ thuật hát then, bài chòi. Bởi lẽ, loại hình nghệ thuật dân tộc này đang phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, theo khảo sát của các nhà nghiên cứu, nước ta có hơn 1.000 người hát chầu văn, người cao tuổi nhất là 93, ít tuổi nhất là 16.
“Cái dễ của người hát chầu văn hiện tại là nhiều lời hát Hán – Nôm đã được dịch sang quốc ngữ. Các phần biểu diễn của cung văn được đưa lên internet rất nhiều và việc học trở nên thuận lợi hơn bao giờ hết. Thế là người người đổ xô đi học hát chầu văn theo trào lưu vì kiếm được nhiều tiền nhưng lề lối cổ xưa, chuẩn mực của không gian hát chầu văn, những niêm luật, thể điệu của ông cha truyền lại đã không còn” – GS-TS Trần Quang Hải lo ngại.
Ông Hải cho rằng nhiều cung văn trẻ đa phần không biết ngũ cung, không biết “up”, “chênh” (những làn điệu hát văn cổ) mà chỉ thuộc lối “xá” đơn giản là đã hành nghề ở các điện, phủ, cốt sao được nhiều bà đồng yêu quý, ban lộc. Hiện nay, giá một cỗ chầu văn hơn 100 triệu đồng, chưa kể vàng mã đốt phung phí. Những người tham gia cúng cỗ chầu văn thì đem tiền, vàng, ngoại tệ để đổi lấy lời phán truyền hết sức mê tín dị đoan.
Hơn nữa, theo nghệ nhân Văn Tỵ, việc biến tấu hát chầu văn theo kiểu dùng ngôn từ “rẻ tiền” đang có xu hướng gia tăng, chẳng hạn: “Họ Trần ơi, đừng ngại chớ lo, ván này mà hầu mất một thì cuối năm ăn lộc mười”. Tất cả đã làm giảm đi vẻ đẹp vốn có của hát chầu văn.
Đừng để biến tướng thêm
Theo GS-TS Ngô Đức Thịnh (Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam), bằng cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với lời văn trau chuốt, nghiêm trang, chầu văn được coi là hình thức ca hát mang ý nghĩa chầu thánh. Hát chầu văn có xuất xứ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Thời kỳ thịnh vượng nhất của hát chầu văn là cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Vào thời kỳ này, thường có các cuộc thi để chọn người hát cung văn.
Từ năm 1954, hát chầu văn dần dần mai một vì hầu đồng bị cấm do bị coi là mê tín dị đoan. Đến đầu những năm 1990, hát chầu văn lại có cơ hội phát triển. Các trung tâm hát chầu văn là Nam Định và một số vùng quanh Hà Nội.
“Hiểu sai mục đích, làm lệch đi giá trị đẹp mang tính nhân văn sâu sắc của nghệ thuật này tức là chúng ta làm giảm đi giá trị của hát chầu văn” – GS-TS Ngô Đức Thịnh nhận xét.
Cách đây 2 năm, tại TP Nam Định và huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam – Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Chi hội Folklore châu Á phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định đã tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Văn hóa thờ Nữ thần (Mẫu) ở Việt Nam và châu Á – Bản sắc và giá trị”. Hội thảo nhằm tôn vinh giá trị của Đạo Mẫu, lên đồng và chầu văn – di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của Việt Nam; thực hiện chủ trương của nhà nước về việc lập hồ sơ trình UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đồng thời, đây là cơ sở khoa học để tăng cường quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa quần thể kiến trúc Phủ Dầy cùng với tín ngưỡng thờ Mẫu, bảo tồn nghi lễ chầu văn và hát chầu văn của người Việt ở Nam Định.
Theo GS-TS Trần Quang Hải, từ cơ sở khoa học của hội thảo lần này, các chuyên gia nghiên cứu văn hóa thế giới sẽ trao đổi xung quanh vấn đề lập hồ sơ khoa học “Nghi lễ chầu văn của người Việt ở Nam Định” vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. “Theo tôi, trước hết, căn cứ vào lịch sử của tín ngưỡng Tứ phủ thì hát chầu là thể loại hình thành sớm hơn các thể loại dân ca khác” – ông cho biết.
Xuất phát từ hình thức diễn xướng dân gian trong các lễ hội, nghệ thuật chầu văn ra đời gắn liền với nghi thức tụng ca công đức của Thánh Mẫu (Liễu Hạnh) và Đức Thánh Cha (Trần Hưng Đạo). Không gian của nghệ thuật chầu văn cổ truyền là ở các đền, phủ, miếu thường kết hợp với hầu bóng. Người xưa quan niệm đó là phương thức hữu hiệu để mọi người có thể giao tiếp với Mẫu, với chư vị linh thần nhằm bày tỏ lòng biết ơn và hướng thiện. Đặc biệt, các Mẫu Tứ phủ (Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Địa, Mẫu Nhạc, Mẫu Thoải) là biểu tượng của tín ngưỡng dân gian trong tâm thức cộng đồng dân tộc.
Giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn
Trong cuộc sống đương đại, việc đưa nghệ thuật dân tộc nói chung, hát chầu văn nói riêng, vào học đường và có giáo trình giảng dạy, phân tích sẽ giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về bộ môn nghệ thuật này. “Theo tôi, nước ta có nhiều di sản văn hóa. Vì thế, phải tập trung lại thành giáo trình giảng dạy ở các cấp học để thế hệ trẻ biết rõ hơn về các di sản văn hóa của dân tộc, nhất là di sản đã được thế giới công nhận, từ đó góp sức bảo tồn, gìn giữ và phát huy” – GS-TS Trần Quang Hải nhấn mạnh.
Thanh Hiệp
http://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/tim-lai-chuan-muc-hat-chau-van-2016010421515438.htm